“Có những kỷ niệm qua bao tháng năm chẳng phai nhòa, có những yêu thương trong tim vẫn luôn nồng ấm…”
Chút gió lạnh tràn về Quy Nhơn. Tháng mười đã vơi đi hơn phân nửa. Tôi nhớ chút nắng dịu dàng của buổi đầu thu nhưng cũng có chút ngóng trông tháng mười một đến với những ngày mưa dài đằng đẳng.
…
Ngày xưa nhà tôi ở cạnh nhà Hoàng, tôi hay lén chui hàng rào qua nhà Hoàng chơi vì nếu đi qua bằng đường cổng thì xa lắm mỏi cả chân. Cái lỗ ở hàng rào ban đầu chỉ nhỏ như lỗ chó nhưng sau đó thì nó càng ngày càng bự ra… cho đến một hôm mấy con bò phát hiện cái lỗ rồi chui vào nhà tôi ăn tanh bành đám rau thì tôi bị nội đánh đòn và cấm vận chui hàng rào!
Nhưng tuổi trẻ tài cao và làm biếng nên sau đó tôi nghĩ ra một kế sách khác là đừng chui bằng một lỗ nữa mà hãy tạo ra nhiều lỗ để chui và đừng để nó bự ra, nhớ chui qua xong là phải bẻ cây lấp lại để nội khỏi phát hiện. Và như thế tôi lại tiếp tục chui hàng rào!
Vì lâu rồi nên giờ mới dám nói, ngày xưa tôi rất ghen tỵ với Hoàng. Khi đó còn đi học mẫu giáo, nó lúc nào cũng lanh lợi hơn tôi, thầy cô lúc nào cũng thương nó hơn tôi! Và còn một thứ nữa đó là… ba nó tuyệt lắm! Ba nó không khó chịu và đi làm cả ngày như ba tôi mà ba nó rất thân thiện lại còn dành rất nhiều thời gian chơi với nó! (Ba tôi thì khỏi nói rồi, ngày xưa lũ nhỏ trong xóm ai mà không sợ ổng. Đó là lý do không ai dám vô nhà tôi chơi mà tôi toàn phải chui hàng rào sang nhà hàng xóm.) Lại nhắc ba nó! Ba nó có thể luộc trứng gà hồng đào cho nó ăn, ba nó có thể cho nó ngồi trên lưng mà bơi ra tít xa ơi là xa, ba nó chiều chiều hay dẫn nó đi bắt cua nữa; Còn tôi thì lúc đó ngay cả trứng gà luộc hồng đào cũng không biết ăn sẽ ra vị thế nào. Thật là đáng ghen tỵ quá đi!
Sở dĩ kể ra những chuyện trên bởi vì đó là nguyên nhân chính khởi nguồn ra câu chuyện khác nữa mà cũng là câu chuyện sắp kể sau đây.
Trứng gà luộc hồng đào thì sau đó tôi cũng được ăn vì đã vòi nội luộc. Còn vụ bắt cua thì thôi rồi nhé vì nhà tôi tuyệt đối cấm, tôi chỉ vòi sơ sơ với mẹ thôi thì đã nghe mẹ dọa là: “Ba mày mà biết được là coi chừng nha con.” Vậy nên tôi đành phải lén theo Hoàng đi bắt cua! Hoàng giỏi lắm nhé! Mấy cái hang còn chưa biết là hang cua hay hang rắn nó cũng dám cho tay vào mò thử. Rủi là hang rắn thì sao trời? Nhưng may quá điều đó lịch sử chưa diễn ra! Bây giờ ngẫm lại cũng phải công nhận là nhờ có Hoàng mà tôi mới biết bắt con cua nó như thế nào để không phải thấy con cua mà sợ bị chúng kẹp đến mức khóc mếu máo như mấy đứa bạn khác.
Nhưng bắt cua là một chuyện còn được ăn cua hay không là một chuyện khác. Cả buổi lăn lộn được cả mớ cua nhưng đâu có dám đem về nhà đâu, đem về nhà thì có khác nào không khảo mà xưng: “Hế hế, chiều nay con mới đi bắt cua nà!” hay ý nghĩa khác nữa là “Hãy đánh đít con đi!” Vậy là ngậm ngùi để hết số cua lại ở nhà Hoàng mà đi về, trong lòng thầm nghĩ “Chắc ăn ngon lắm!”
Quả thật ngon lắm, bữa sau chui rào qua chơi thì Hoàng khoe liền là “Tối qua, ba tao ram cua cho ăn ngon lắm luôn á!!!” Tuy không nói ra nhưng bực bội cả buổi trong lòng, chiều về nhà lại mếu máo tâm sự với nội. (Nội lúc nào cũng bênh tôi! Cứ hễ khi hai chị em tôi ở chung mà tôi la lên một tiếng là thôi xong bà chị tôi rồi “Béc (tên ở nhà của chị tôi), mày làm gì nó hả???” Vậy nên … tôi cứ phát huy thôi!) Nghe xong câu chuyện về mấy con cua, nội cười bảo: “Nín đi, tưởng gì chớ ram cua thì tao cũng biết, chờ vài hôm mưa xuống, nước lên là cua nó bò đầy ra, tao bắt ram cho mày ăn lòi họng”
Con nít thì mau quên nhưng người lớn thì không và người lớn biết điều này nên hay dỗ ngọt con nít để chúng nín tạm thời! Nhưng đến bây giờ, khi nghĩ lại, tôi cũng không ngờ đó lại không phải chỉ là một lời hứa bâng quơ .
…
Tháng mười năm ấy đến kéo theo những cơn mưa dài đằng đẳng. Một buổi chiều, còn ngái ngủ thì nghe tiếng nội kêu dậy!
Quả đúng như lời nội kể, nước lên thì cua lên bờ, chúng nó bò tứ tung bắt không hết khỏi cần phải mò tay vô hang bắt nhé! Thoáng chốc hai bà cháu đã kiếm được một mớ. Bắt xong rồi tôi dặn nội về nấu cho ngon, nấu xong nhớ gọi tôi về ăn vì giờ tôi phải bận chạy đi khoe với Hoàng rằng tôi sắp được ăn cua ram như nó. Nói rồi tôi quẩy đít nhảy đi để nội đi về một mình.
Nói thì nói vậy chứ ngồi chờ không ai mà chịu nỗi (thực ra tôi còn sợ chị tôi ăn mất phần nữa) nên sau khi khoe xong cũng tranh thủ chạy về sớm chực nồi cua.
Rồi giây phút quan trọng, giây phút được mong chờ nhất cũng đã đến! Nồi cua ram thơm phức bày trước mắt tôi. Nội lấy chén múc cho tôi một ít ăn thử xem có ngon không. Nội nói cua khó ăn nên sợ tôi ăn không quen. Nội quá lo xa rồi, trừ canh khổ qua ra thì cái gì mà tôi ăn không được chứ, trong khi thực tế là nồi cua ram ngon quá trời mà lần đầu tiên được ăn nữa. Vậy là cũng chả quan tâm xem nội đã ăn miếng nào hay chưa, một mình tôi ăn hết nồi cua luôn. Mà cũng vì thế mà vụ nồi cua chỉ có tôi với nội biết.
Nhưng chuyện gì đến cũng đến, cái kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, sáng hôm sau, tôi cả người nóng lạnh, ăn cái gì vô cũng ói ra. Chỉ biết nằm ư ử. Lúc đó, nội mới nói với mẹ là hôm qua tôi đã ăn gần hết một nồi cua ram.
…
Một hồi ức sẽ có thể là hồi ức đẹp nếu biết dừng nó đúng lúc. Nhưng cũng có những thứ cứ dặn lòng là đừng nghĩ nữa mà nó cứ miên man ùa về.
Giá như hồi đó ăn ít lại để khi bệnh khỏi phải đổ thừa nội thì mọi chuyện sẽ tốt hơn… Lần bệnh đó tôi gần một tuần mới cảm thấy khỏe hẳn, ăn mới thấy ngon miệng. Khỏi phải nói, tất cả là do tôi và ngoài tôi ra thì cũng chả ai đổ thừa nội nhưng nội áy náy biết chừng nào.
Mà cũng kể từ đó tôi cũng hết dám nói đến vụ ăn cua.
Đến tận bây giờ, đó là lần duy nhất tôi ăn cua. Và đó cũng là nồi cua ram ngon nhất trong cuộc đời tôi.
Những hồi ức đẹp của tuổi thơ giữa tôi với Hoàng khép lại vì ít lâu sau ba Hoàng mất. Nó phải chuyển nhà về ở với nội. Tôi không còn được chui hàng rào nữa…
Đó là một ngày mưa buồn rời rợi trong cuộc đời tôi nhưng có lẽ là cả những ngày mưa đằng đẳng trong cuộc đời nó!
…
Không còn Hoàng có lẽ tuổi thơ dữ dội của tôi cũng khép lại. Sách vở mở ra với khoảng trời mới mẻ hơn có thầy cô, bạn bè cùng lớp, có con Son học giỏi nhất lớp 1, thằng Tín học giỏi nhất lớp 2. Kỳ quái! Tụi nó có gì hay mà học giỏi nhất lớp được! Tôi không phục! Vậy là con Giang xoắn ngôi thành công được giấy khen học giỏi nhất lớp 3. Hi hi! Lên lớp 4 thì lại được học chung lớp với Hoàng nhưng nào là thi học sinh giỏi, thi đánh cờ vua bla bla… tôi cũng chả dành thời gian nhiều cho việc lêu lổng như xưa.
Thoắt cái khoảng thời gian làm con ngoan cũng hết khi bắt đầu năm lớp 8 tôi bày đầu lũ bạn nhúng chàm vào vụ chơi Audition.
Đó là khoảng thời gian tôi học hành bê tha nhất, hư nhất và cũng là khoảng thời gian tôi không quan tâm đến nội.
…
Lần nội ngã bệnh thứ nhất, đã có lúc nội không nhớ tôi là ai và đã có lúc mọi chuyện dường như có thể đi đến chiều hướng xấu nhất. Đã rất nhiều đêm tôi không ngủ được và cứ nhắc đến hai từ: “giá như”, “giá như” …
Và rồi kỳ diệu thật đấy! Một cách thần kỳ, nội đã khỏe lại để đón được cái tết cuối cùng với chúng tôi và có lẽ đó là cái tết hạnh phúc nhất, cái tết mà tôi trân trọng nhất: cái tết có nội. Tôi đã nói đến hai từ “giá như” và cảm ơn cuộc sống này đã cho nội khỏe lại để tôi có thể làm được một vài điều mà lúc trước tôi đã “giá như “đó! Thế nhưng vẫn chưa đủ, và bây giờ mỗi khi nghĩ lại tôi vẫn cứ “giá như”: Giá như lúc đó mình làm được nhiều hơn, giá như lúc đó mình đã trưởng thành hơn, giá như lúc đó mình đã kiếm ra tiền rồi, giá như lúc đó nhà mình giàu hơn, giá như lúc đó mình ngoan hơn và giá như lúc đó mình DŨNG CẢM hơn…!
Cái tết hạnh phúc ấy qua đi và ít lâu sau nội lại ngã bệnh… lần này nội không dậy nữa…Nội cứ nằm đó yếu dần và sau đó nội bỏ tôi đi! Con vệnh sáng đó cũng buồn thiu, nó ngồi sát lại tôi, dụi dụi cái mõm, cọ cọ vào người tôi. “Ừ thì nội đi rồi!”
Đó là một ngày tháng tám cuối thu:” Tháng tám mùa thu.. lá rơi vàng chưa nhỉ?” Lá rơi, mang theo nội của tôi đi rồi…
Đó cũng lại là một ngày trời mưa hối hả. Mưa rơi ở ngoài kia và mưa cả ở trong lòng.
Thực ra tôi chả phải là đứa lãng mạn gì đến nỗi ngóng chờ những cơn mưa…
Có chăng cũng chỉ là vì mưa đã mang nhiều người mà tôi yêu thương đi xa…
Và tôi ngóng trông những cơn mưa …
cũng chỉ như là chờ mưa sẽ mang trả họ trở lại …
Suy cho cùng tôi vẫn thua con em họ tám tuổi lúc ấy, …
không làm được điều mà ngày xưa chính mình đã hứa
… trốn tránh phút giây níu kéo một đời người.
Số phận đã cho tôi thức dậy, …
tại sao không cho tôi đủ dũng cảm để đối mặt?
…
Và rồi hễ cứ đến tháng mười thì tôi lại trông đợi những cơn mưa
… làm tôi nhớ đến nồi cua ram của nội:
“Nín đi, tưởng gì chớ ram cua thì tao cũng biết, chờ vài hôm mưa xuống, nước lên là cua nó bò đầy ra, tao bắt ram cho mày ăn lòi họng”
Quy Nhơn, 17 tháng 10 năm 2015